Kinh tế Panama

Bài chi tiết: Kinh tế Panama

Kinh tế Panama dựa trên dịch vụ, chủ yếu là ngân hàng, thương mại và du lịch, vì vị trí địa lý chiến lược của nó. Việc chuyển giao quyền quản lý kênh đào và các căn cứ quân sự của Mỹ khiến các dự án xây dựng mới ở đây bùng nổ. Chính quyền Martín Torrijos đã tiến hành nhiều cuộc cải cách cơ cấu gây tranh cãi, như cải cách thuế và một cuộc cải cách an sinh xã hội rất khó khăn. Hơn nữa, một cuộc trưng cầu dân ý về việc xây dựng một bộ cửa cống thư ba cho Kênh đào Panama đã được đại đa số dân chúng tán thành (dù số người đi bầu ít ỏi) ngày 22 tháng 10 năm 2006. Con số ước tính chính thức chi phí cho việc xây dựng này lên tới 5.25 tỷ dollar Mỹ.

Kinh tế Panaman tăng trưởng 8% năm 2006 và lần đầu tiên trong mười năm qua lĩnh vực công cộng đã kết toán năm 2006 với một con số thặng dư thương mại khoảng 88 triệu USD.[cần thẩm tra] Hơn nữa, theo thông tin được công bố bằng tiếng Tây Ban Nha, "Informe Fiscal - Cierre año 2006" của Bộ Kinh tế và Tài chính ngày 14/02/2007, mức GDP danh nghĩa chính thức năm 2006 lên tới 16.704 tỷ dollar Mỹ; xem đường link bên dưới của bộ này.

Đồng tiền tệ Panama là balboa, được quy định ở mức trao đổi tương đương với đồng dollar Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, nước này đã bị dollar hoá; Panama có đồng tiền xu riêng của mình nhưng sử dụng tất cả các loại tiền giấy bằng dollar Mỹ. Panama là một trong ba quốc gia trong vùng đã dollar hoá nền kinh tế, hai nước kia là EcuadorEl Salvador.

Panama là một nước có nền kinh tế ổn định nhất trong số các nước Mỹ Latinh, Panama có các lĩnh vực dịch vụ tiên tiến chiếm khoảng 75% GDP. Các dịch vụ bao gồm Kênh đào Panama, ngân hàng, Khu tự do Colon, bảo hiểm, cảng container, đăng ký tàu đô đốc và du lịch. Thời kỳ khủng hoảng của Khu vực Tự do Colon và sự giảm giá mạnh của các mặt hàng xuất khẩu, sự giảm tốc độ sản xuất toàn cầu và việc rút quân của Mỹ đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Panama trong năm 2000-2001. Chính phủ Panamma đặt kế hoạch cho các chương trình công tác công cộng, cải cách thuế, hiệp định thương mại khu vực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thập kỷ vừa qua cho thấy Panama duy trì được một nền kinh tế phát triển ổn định, trung bình hàng năm tăng trưởng từ 2% đến 4%.

Nền kinh tế Panama là nền kinh tế bị đô la hóa, cơ bản dựa trên các hoạt động dịch vụ với chất lượng cao, chiếm tới 3/4 tổng sản phẩm quốc nội. Trong các loại hình dịch vụ này có thể kể ra như: Kênh đào Panama, ngân hàng, Khu vực tự do Colon, bảo hiểm, cảng container, du lịch… Năm 2007, GDP nước này khoảng 29 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP là 7,8%.

Trong thời gian tới, Panama sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn nhờ dự án mở rộng kênh đào Panama, dự án này đã được khởi động vào năm 2007 và kết thúc vào năm 2014, với tổng kinh phí là 5.3 tỷ USD. Dự án này sẽ nâng gấp đôi năng lực của kênh đào.

Thời gian gần đây, Chính phủ đã thực hiện cải cách hệ thống thuế, an ninh xã hội và thúc đẩy các hiệp định thương mại khu vực, phát triển ngành du lịch. Không chỉ là thành viên của khối CAFTA, Panama đã bắt đầu đàm phán FTA với Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2006.

Tính đến năm 2016, GDP của Panama đạt 55.227 USD, đứng thứ 78 thế giới và đứng thứ 13 khu vực Mỹ Latin.

Vai trò là thị trường trung chuyển hàng hóa

Panama có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi với kênh đào Panama dài 80 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế quan trọng cho Panama mà còn giúp các tàu biển tiết kiệm thời gian và chi phí trong vận tải đường biển. Panama phát triển mạnh ngoại thương, dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng. Đây là trung tâm tài chính ngân hàng quốc tế với chính sách thông thoáng tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp (thuế suất 0% nếu các nguồn vốn, tài chính không đầu tư/sử dụng trên lãnh thổ Panama, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính trong việc thành lập cơ quan đại diện, tự do chuyển lợi nhuận ra nước ngoài...), là môi trường lý tưởng cho các nhà đầu tư cũng như cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, quyền tự do kinh doanh của mọi pháp nhân được bảo đảm, không có sự phân biệt đối xử với người nước ngoài. Panama giữ vai trò trung tâm tài chính ở Mỹ Latinh, là nơi cung cấp tín dụng, vốn đầu tư, cho vay, thanh toán quốc tế, bảo hiểm... cho các hoạt động kinh tế, thương mại của thị trường khu vực và thế giới.

Hiện nay Panama là nước có nhiều tàu nước ngoài thuê cờ nhất thế giới nhờ có chính sách ưu đãi và tạo thuận lợi cho khách hàng trên nhiều mặt: pháp luật, tài chính, bảo hiểm... Panama có mạng lưới viến thông bằng sợi cáp quang nối tất cả các quốc gia trên thế giới với tần suất 3.300 gb/giây. Hạ tầng cơ sở của Panama rất phát triển, dân trí cao, chất lượng cuộc sống ở mức cao (không có thiên tai dịch họa; môi trường sống xanh-sạch-đẹp, an lành và thân thiện). Hai ngôn ngữ chính được sử dụng ở Panama là tiếng Tây Ban Nhatiếng Anh.

Kênh đào Panama được xây dựng cho một luồng giao thông khoảng hơn 13.000 lượt tàu thuyền hàng năm và thông qua đường vận chuyển này đã tạo ra nguồn lợi nhuận kinh tế đáng kể cho thương mại quốc tế. Sử dụng các khu vực trong vùng kênh đào có ý nghĩa cho những cơ hội lớn đầu tư sinh lợi đối với các nhà đầu tư có nhu cầu tăng thêm gia trị sản phẩm hàng hoádịch vụ, sử dụng Panama như một vị trí chiến lược với các thị trường mới hoặc thị trường đã có sẵn. Sự thách thức lớn nhất đó là biến đổi đất nước trở thành một trung tâm hậu cần quốc tế gắn liền với sự phát triển của các lĩnh vực hàng hải, công nghiệp, du lịch, thương mại.

Panama là thị trường trung chuyển lớn trên thế giới với kho ngoại quan miễn thuế Colón lớn thứ 2 toàn cầu, lớn nhất châu Mỹ cùng các chính sách cởi mở, thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho thương mại quốc tế, mọi giao dịch đều sử dụng đồng USD. Hiện nay có hơn 2000 công ty đặt văn phòng tại Khu Thương mại Tự do Colón trên tổng diện tích 988 ha, trao đổi thương mại đạt trị giá hơn 10 tỷ USD/năm, trong đó nhập khẩu chiếm 45% và tái xuất chiếm 55%. Khu miễn thuế này hàng năm đóng góp 7,5% GDP cho Panama.

Khu Colón gần các quốc gia phát triển của khu vực Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và tương đối gần châu Âu, gần như mọi tuyến đường giao thông trên thế giới đều qua Colón khiến nơi này trở thành một trung tâm lý tưởng trong thời đại toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới như hiện nay với tốc độ và hiệu quả của việc trung chuyển hàng, giá cả cạnh tranh, thuế suất nhập khẩu là 0%, và 100% cơ hội dành cho các doanh nghiệp với rất nhiều thuận lợi, ưu đãi và thủ tục đơn giản. Colón đặt mục tiêu trở thành trung tâm phân phối hàng hóa thương mại chính yếu cho khu vực châu Mỹ. Panama có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, trong lĩnh vực dịch vụ đồng thời có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều chủng loại hàng, nhất là trang thiết bị, máy móc, hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng các loại.

Bên cạnh đó, để đón đầu việc FTAA (Khu vực Thương mại Tự do châu Mỹ) ra đời, Panama đang triển khai thực hiện dự án biến Colón thành một "trung tâm hậu cần đa phương thức của châu Mỹ" (kết hợp vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt và đường bộ giữa các nước châu Mỹ với nhau và giữa châu Mỹ với thế giới) với chức năng chính là trung tâm trung chuyển (nhập khẩp-tái xuất) hàng hóa, sẵn sàng tiếp nhận mọi đối tượng đến đầu tư, làm ăn kinh doanh.

Toàn cầu hoá

Những mức độ thương mại cao của Panaman chủ yếu nhờ Vùng thương mại tự do Colón, vùng thương mại tự do lớn nhất Tây Bán cầu. Theo một phân tích của ban quản lý vùng Colon và đánh giá về thương mại Panama của Cao ủy Kinh tế Liên hiệp quốc vùng Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC), năm ngoái vùng này chiếm 92 phần trăm xuất khẩu và 65 phần trăm nhập khẩu của Panama.

Panama có tỷ lệ nguồn thu từ du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài trên GDP khá lớn (cao thứ tư Mỹ Latinh về cả hai yếu tố) mức độ người dân sử dụng Internet cũng khá cao (đứng thứ tám Mỹ Latinh).

Lạm phát

Theo Cao ủy Kinh tế vùng Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC, hay CEPAL theo tên viết tắt tiếng Tây Ban Nha thông dụng hơn), lạm phát của Panama tính theo Chỉ số Giá Tiêu thụ (CPI) là 2.0 phần trăm năm 2006. Thường Panama có mức lạm phát thấp.

Bất động sản

Thành phố Panama từng chứng kiến một cuộc đua giữa hai dự án cạnh tranh nhau với mục tiêu xây dựng tòa nhà cao nhất Mỹ Latinh. Nhưng một trong hai dự án đã bị hủy bỏ. Dự án kia, một tòa nhà ở và khách sạn cao 104 tầng tên gọi Tháp Băng (Ice Tower), được dự định hoàn thành năm 2010.

Dự án Palacio de la Bahia đã bị công ty sáng lập Tây Ban Nha là Olloqui hủy bỏ. Trước kia cả hai dự án đều có quy mô nhỏ, nhưng sau đó bắt đầu gia tăng số tầng để trở thành tòa nhà cao nhất vùng.

Có hơn 105 dự án tại Thành phố Panama nơi các khu lân cận đang có sự tăng trưởng chóng mặt về con số nhà cửa. Tại San Francisco hiện đang có 25 tòa nhà được xây dựng.

Grupo Mall, một công ty khác của Tây Ban Nha, đang xây dựng một tòa nhà làm căn hộ, khu phức hợp, khách sạn và khu thương mại nhiều tầng. Dự án này theo kế hoạch sẽ hoàn thành một phần vào năm 2009.

Ngoài những nhu cầu hiện tại, những phát triển tương lai cũng sẽ có tương lai tốt nhờ kế hoạch mở rộng Kênh đào Panama, một nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Mỹ Occidental Petroleum và một cảng container mới gần lối vào phía Thái Bình Dương của kênh.

Tình trạng nghèo đói

Dù có những nguồn thu lớn từ Kênh đào Panama và ngành du lịch, Ngân hàng Thế giới đã báo cáo rằng Cộng hòa Panama tiếp tục phải chiến đấu với nạn nghèo đói .Bình đẳng thu nhập cũng là một vấn đề lớn ở nước này. Theo Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, Hệ số Gini trên đầu hộ tại Panama là 0.57. Đây là một trong những mức độ bình đẳng thu nhập tồi nhất trong vùng và thế giới.